Tây Tiến

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi.
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi,
Mường Lát hoa về trong đêm hơi.

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm,
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời.
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống,
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.

Anh bạn dãi dầu không bước nữa,
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
Chiều chiều oai linh thác gầm thét,
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người.

Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói,
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.

Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa,
Kìa em xiêm áo tự bao giờ.
Khèn lên man điệu nàng e ấp,
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ.

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy,
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ?
Có nhớ dáng người trên độc mộc,
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa?

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,
Quân xanh màu lá dữ oai hùm.
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.

Rải rác biên cương mồ viễn xứ,
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.
Áo bào thay chiếu, anh về đất,
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

Tây Tiến người đi không hẹn ước,
Đường lên thăm thẳm một chia phôi.
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy,
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.


Phù Lưu Chanh, 1948

Nam Quốc Sơn Hà - 南國山河

Hán Văn

南國山河南帝居, 
截然定分在天書。 
如何逆虜來侵犯, 
汝等行看取敗虛。


Phiên âm

Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Dịch nghĩa 

Núi sông nước Nam thì vua Nam ở,
Cương giới đã ghi rành rành ở trong sách trời.
Cớ sao lũ giặc bạo ngược kia dám tới xâm phạm?
Chúng bay hãy chờ xem, thế nào cũng chuốc lấy bại vong.

Dịch thơ

Sông núi nước Nam, vua Nam ở,
Rành rành định phận tại sách trời.
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm?
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

(Bản dịch trong SGK trước 2015, không ghi tên tác giả, một số nguồn cho là của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn)

Nguồn gốc và dị bản

Tương truyền, năm 1077, hơn 30 vạn quân Tống do Quách Quỳ chỉ huy xâm lược Đại Việt. Lý Thường Kiệt lập phòng tuyến tại sông Như Nguyệt (sông Cầu) để chặn địch. Quân của Quách Quỳ đánh đến sông Như Nguyệt thì bị chặn. Nhiều trận chiến ác liệt đã xảy ra tại đây nhưng quân Tống không sao vượt được phòng tuyến Như Nguyệt, đành đóng trại chờ viện binh. Đang đêm, Lý Thường Kiệt cho người vào đền thờ Trương Hống, Trương Hát, ở phía nam bờ sông, giả làm thần đọc vang bài thơ trên. Nhờ thế tinh thần binh sĩ lên rất cao. Lý Thường Kiệt liền cho quân vượt sông, tổ chức một trận quyết chiến đánh thẳng vào trại giặc. Phần vì bất ngờ, phần vì sĩ khí quân Việt đang lên, quân Tống chống đỡ yếu ớt, số bị chết, bị thương đã quá nửa. Lý Thường Kiệt liền cho người sang nghị hoà, mở đường cho quân Tống rút quân về nước, giành lại giang sơn, giữ vững bờ cõi Đại Việt. Một số nhận định xem bài thơ này là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam.

Bài thơ này được gắn với Lý Thường Kiệt và nằm trong truyền thuyết Trương Hống, Trương Hát, được văn bản hoá sớm nhất ở Việt điện u linh (Lý Tế Xuyên đời Trần), sau đó là nhiều sách sử khác như Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử tiêu án... Trong khi đó, sách Lĩnh Nam chích quái (Trần Thế Pháp đời Trần) lại gắn bài thơ với truyền thuyết về cuộc chiến chống quân Tống lần thứ nhất thời Tiền Lê của Lê Đại Hành, với nội dung như sau: 

南國山河南帝居, 
皇天已定在天書。 
如何北虜來侵掠, 
白刃翻成破竹餘

Nam quốc sơn hà Nam đế cư, 
Hoàng thiên dĩ định tại thiên thư, 
Như hà Bắc lỗ lai xâm lược, 
Bạch nhận phiên thành phá trúc dư.

Nguồn: thivien.net và nguồn khác.

Tiếng thu

Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ?

Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô?

Lưu Trọng Lư 

Á-tế-a ca (Bài ca Châu Á)

Á Tế Á [1] năm châu là bậc nhất,
Người nhiều hơn mà đất cũng rộng hơn.
Cuộc đời mở hội doanh hoàn,
Anh hùng bốn bể giang san một nhà.
Gẫm từ thuở Âu La [2] tìm đất,
Vượt Chi Na qua Nhật đến Triều Tiên.
Xiêm La, Ấn Độ gần liền,
Cao Miên, Đại Việt thông miền Ai Lao.
Thịt một miếng trăm dao xâu xé,
Chiếc kim âu chẳng mẻ cũng khôn lành.
Tôi con Pháp, tớ thầy Anh,
Nín hơi Đại Đức, nép mình cường Nga.
Gương Ấn Độ còn xa đâu đó,
Chẳng máu đào, nhưng cũng họ da vàng
Mênh mông một dải Đông Dương,
Nước non quanh quất trông càng thêm đau.
Cờ tự lập đứng đầu phất trước,
Nhật Bản kia vốn nước đồng văn,
Thái Đông nổi hiệu duy tân,
Nhật Hoàng là đấng anh quân ai bì?
Dòng Thần Vũ riêng về một họ,
Vùng Phù Tang soi tỏ góc trời,
Kể đời trăm hai mươi hai,
Năm hai nghìn lẻ năm mươi có thừa [3].
Sẵn cơ hội trời đưa lại đó,
Chốn kinh thành Thần Hộ [4] mới dời sang.
Dẹp Mạc Phủ, bỏ phiên bang,
Đổi dòng chính sóc, thay đường y quan.
Khắp trong nước dân đoàn xã hội,
Nhà học đường đã ngoại ba muôn.
Việc kĩ nghệ, việc bán buôn,
Nơi lò hấp bát, nơi khuôn đúc đồng.
Chè, lụa, tơ, gai, bông, nhung, vũ,
Mọi đồ sơn, vân mẫu, pha lê.
Dao với quạt, tán với xe,
Đủ mùi hải lục, hợp nghề nông thương.
Bốn lăm triệu kể lương dân số,
Các sắc quân ước độ triệu người.
Chu vi mặt đất rộng dài,
Tính vuông Pháp lí bốn mươi vạn thừa.
Bốn mốt huyện năm xưa mới đổi,
Đầu Nại Xuyên mà cuối Lộc Nhi.
Đông Kinh ba phủ cận kì,
Ngoài thì Đại Bản, trong thì kinh đô.
Tỉnh Bắc Hải dư đồ quanh bể,
Huyện Xung Thằng chưa kể đất Lưu Cầu[5].
Gò Đối Mã bốn bể sâu,
Nghiêm Đồng đặt súng, Trúc Phu đỗ tàu.
Nhà dây thép đâu đâu cũng đặt,
Truyền thông thương khắp mặt ngoại dương.
Kìa thiết lộ, nọ ngân hàng,
Đăng đàn, báo quán, ngổn ngang phụ đầu[6].
Cuộc biến pháp năm đầu Minh Trị,
Ba mươi năm dân trí mở mang,
Chữ Hán tự, chữ Tây dương,
Mọi bài diễn thuyết, các phường chuyên môn.
Đất Đại Bản mở đồn đúc súng,
Xưởng Đông Kinh riêng cũng một toà.
Trường Kì thuyền cục mấy nhà,
Dã Tân, Tu Hạ ấy là hải quân.
Tàu với súng trăm phần chấn chỉnh,
Lại ngư lôi bác đĩnh[7] ai tày.
Quan quân luyện tập đêm ngày,
Mọi nghề so với Thái Tây kém gì.
Đội mã bộ, lục sư các trấn.
Từ Hà Di đến tận Tát Ma.
Tám đạo rộng, bốn gò xa,
Phú Sơn cao ngất, Tì Bà trong veo.
Tướng, tá, uý, cũng theo Tây lệ,
Đủ vương binh, pháo vệ chỉnh tề,
Đồng bào nghĩa khí gớm ghê,
Cái thù nô lệ, ắt thề giả xong.
Năm Giáp Ngọ[8] đùng đùng sóng gió,
Vượt quân sang thẳng trỏ Đại Hàn.
Quân Lục Áo, tướng Thái Sơn,
Ra tay cho biết cái gan anh hùng.
Đông tam tỉnh[9] thu trong tay áo,
Bọn trắng da ngơ ngáo giật mình,
Cuộc hoà đâu bất thình lình,
Chủ trương này dễ Nga đình vẽ khôn.
Bụng ái quốc ghê hồn Nhật Bản,
Giận xung quan khôn cản nghĩa đồng cừu.
Đã toan trở súng quay tàu,
Y Đằng[10] can khéo mưu sâu vãn hồi.
Nhận bồi khoản Bành, Đài nhượng địa,
Trong mười năm rồi sẽ chịu nhau.
Nga kia nước lớn lại giàu,
Bên giường giấc ngáy, dễ hầu chịu yên,
Hàn với Mãn lợi quyền thu sạch[11],
Xe Nhĩ Tân, tàu lạch Sâm Uy[12].
Cõi Đông đương cuộc an nguy,
Có ta, ta phải phù trì chúng ta.
Việc khai hấn chắc là quyết liệt,
Đất Á Đông thấy huyết phen này.
Giáp Thìn trong tháng Chạp tây,
Chiến thư hai nước đợi ngày giao tuy.
Trận thứ nhất Cao Li lừng tiếng,
Khắp toàn cầu muôn miệng đều khen.
Sa trường xung đột mấy phen,
Ngọn cờ Áp Lục, tiếng kèn Liêu Đông.
Châu Lữ Thuận mơ màng khói bạc,
Thành Phụng Thiên ngơ ngác non xanh.
Hải quân một trận tan tành,
Thái Hoa cắt núi, Đông Thanh xẻ đường.
Sức hùng vũ ai đương lại được,
May điều đình có nước Hoa Kì.
Khéo điều hoà cuộc giải vi,
Nếu không Bỉ Đắc[13] còn đâu là đời.
Hội vạn quốc diễn bài thương nghị,
Chấu mới voi chuyện cũng nực cười.
Xem trong hoà khoản mười hai,
Bề nào Nga cũng chịu lui trăm phần.
Cuộc tang hải khuất thân từng lúc,
Áng liệt cường nay cũng chen vai.
Khen thay Nhật Bản anh tài,
Từ nay danh dự còn dài về sau.
Ngồi mà nghĩ thêm sầu lại tủi,
Nước Nam mình gặp buổi truân chuyên.
Dã man quen thói ngu hèn,
Cũng như Minh Trị dĩ tiền khác đâu.
Từ giống khác mượn màu bảo hộ,
Mưu hùm tinh, lừa lũ voi già.
Non sông thẹn với nước nhà,
Vua là tượng gỗ, dân là thân trâu.
Việc dây thép, việc tàu, việc pháo,
Việc luyện binh, việc giáo học trường,
Việc công nghệ, việc nông thương,
Việc khai mỏ khoáng, việc đường hoả xa.
Giữ các việc chẳng qua người nước,
Kẻ chức bồi, người tước culi.
Thông ngôn kí lục chi chi,
Mãn đời lính tập, trọn vì quan sang.
Các thức thuế các làng thêm mãi,
Hết đinh điền rồi lại trâu bò.
Thuế chó cũi, thuế lợn bò,
Thuế diêm, thuế tửu, thuế đò, thuế xe.
Thuế các chợ, thuế trà, thuế thuốc,
Thuế môn bài, thuế nước, thuế đèn.
Thuế nhà cửa, thuế chùa chiền,
Thuế rừng tre gỗ, thuế thuyền bán buôn.
Thuế gò, thuế bãi, thuế cồn,
Thuế người chức sắc, thuế con hát đàn.
Thuế dầu mật, thuế đàn đĩ thoã,
Thuế gạo rau, thuế lúa, thuế bông.
Thuế tơ, thuế sắt, thuế đồng,
Thuế chim, thuế cá, khắp trong lưỡng kì.
Các thức thuế kể chi cho xiết,
Thuế xia kia mới thật lạ lùng,
Làm cho thập thất cửu không,
Làm cho xơ xác, khốn cùng chưa thôi.
Lại nghe nỗi Lào Cai, Yên Bái,
So muôn người như giải lũ tù.
Ăn cho ngày độ vài xu,
Việc làm gian khổ, công phu lạ lùng.
Độc thay phong chướng nghìn trùng,
Nước sâu quẳng xác, hang cùng chất xương.
Nỗi diệt giống bề lo bề sợ,
Người giống ta biết có còn không?
Nói ra sởn gáy động lòng,
Cha con khóc lóc, vợ chồng thở than.
Cũng có lúc bầm gan tím ruột,
Vạch trời kêu mà tuốt gươm ra.
Cũng xương cũng thịt cũng da
Cùng hòn máu đỏ, giống nhà Lạc Long.
Thế mà chịu trong vòng trói buộc,
Bốn mươi năm nhơ nhuốc lầm than.
Thương ôi! Bách Việt giang san,
Văn minh đã sẵn, khôn ngoan có thừa.
Hồn mê mẩn tỉnh chưa, chưa tỉnh?
Anh em ta phải tính nhường sao.
Đôi bên, bên nọ, bên cừu,
Họ khôn phải học, cừu sâu phải đền.
Việc tân học phải đem dựng nước,
Hội dân đoàn, cả nước với nhau.
Sự buôn phải lấy làm đầu.
Mọi nghề cũng ghé địa cầu một vai.
Bây giờ kể còn dài chưa hết,
Chữ tự do xin kết bên lòng.
Gương Nhật Bản đất Á Đông,
Giống ta, ta phải soi trông kẻo nhầm.
Bốn mươi triệu đồng tâm nhất đức,
Mãnh hổ kia đem sức với quần dương.
Hiệu cờ nổi chữ tự cường,
Thay bầy nô lệ làm phường văn minh.
Kìa thuở trước như Anh, Pháp, Đức,
Cũng chẳng qua cùng cực tắc thông,
Hoạ may trời có chiều lòng,
Việt Nam dựng lại, phương Đông có mình.
Thân phiêu bạt đã đành vô lại,
Bấy nhiêu năm Thượng Hải, Hoành Tân.
Chinh Nga nhân lúc hoàn quân,
Tủi mình bô bá[14], theo chân khải hoàn.
Bưng chén rượu ân ban hạ tiệp[15],
Gạt hàng châu khép nép quỳ tâu,
Thiên Nam mù mịt ngàn dâu,
Gió Tây như thồi dạ sầu năm canh.
Biết bao nỗi bất bình khôn giải.
Mượn bút hoa mà cải quốc âm,
Thân giàn bao quản cát lầm,
Khuyên ai đúc chữ đồng tâm sau này.

Tác giả

Á Tế Á ca (nghĩa là "Bài ca Châu Á"), còn có tên gọi khác là Đề tỉnh quốc dân ca (Bài ca thức tỉnh quốc dân), Nam hải bô thần ca (Bài ca của một bề tôi trốn tránh người biển Nam), là một bài thơ diễn ca yêu nước được lưu truyền tại Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20. Trong ba tên gọi khác nhau đã biết của bài thơ tên gọi "Á Tế Á ca" được nhiều người biết đến hơn cả. Cho đến này vẫn chưa rõ tác giả của bài thơ này là ai, người thì cho là Nguyễn Thiện Thuật, người khác thì cho là Tăng Bạt Hổ, Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền, Dương Bá Trạc. (Đoàn Lê Giang, "Ai là tác giả đích thực của bài Á Tế Á ca," Tạp chí Văn hóa Nghệ An, truy cập ngày 27 tháng 6 năm 2014)

Các truyền bản

Bài thơ này có 4 truyền bản:
  • Bản được Huỳnh Lý, Hoàng Ngọc Phách công bố lần đầu trong Sơ tuyển thơ văn yêu nước và cách mạng, tập 2, NXB.Giáo dục, Hà Nội, 1959
  • Bản được Đặng Thai Mai sưu tập đưa vào công trình nổi tiếng của ông: Văn thơ cách mạng Việt Nam đầu TK.XX, In lần thứ nhất, NXB.Văn hóa, Hà Nội, 1961.
  • Bản của Trường Viễn đông Bác cổ mà Đặng Thai Mai dùng làm bản khảo chứng trong công trình trên.
  • Bản được Vũ Văn Sạch công bố gần đây. Bản này được lưu trữ ở Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 – Hà Nội (Cục Lưu trữ Nhà nước), hồ sơ số 71836 phông Phủ Thống sứ Bắc Kỳ (Lập luận mà Vũ Văn Sạch đưa ra về tác giả là Phan Bội Châu cũng chưa hoàn toàn thuyết phục. Về vấn đề này, ông viết: "Bài ca được viết và gửi từ Nhật Bản về Phủ thống sứ Bắc Kỳ vào năm 1906. Phủ thống sứ đã lưu trữ lại, rồi dịch toàn bộ bài này sang tiếng Pháp. Thống sứ Bắc Kỳ là Grosleau đã ghi nhận xét: "Đây là một bài ca phê phán chế độ bảo hộ đã được lưu truyền từ năm 1906, và lúc đó cho là của Phan Bội Châu""(7) Tôi cho rằng: bài thơ được gửi từ Nhật về Phủ thống sứ Bắc Kỳ năm 1906 thì chỉ có nghĩa là bài này được sáng tác từ 1906 trở về trước chứ không nhất định là sáng tác vào năm 1906. Thứ hai: vấn đề tác giả là Phan Bội Châu chỉ được nhận định một cách rất dè dặt "lúc đó cho là của Phan Bội Châu" chứ không có bằng cứ văn bản nào thật chắc chắn. Rõ ràng tài liệu tuyên truyền bí mật thì không dễ gì tìm được tác giả, hơn nữa vì thơ tuyên truyền của Phan Bội Châu quá nổi tiếng, nên người ta dễ gán những bài thơ tuyên truyền khác đều là của ông.).

Chú thích

[1] Á Tế Á: châu Á, phiên âm từ "Asie".
[2] Âu La Ba: châu Âu, phiên âm từ "Europe".
[3] Mạc Phủ: thủ lĩnh của chư hầu thường lấn át quyền vua. Kể từ khi lập quốc đến nay có 2500 năm lịch sử và trải qua 122 đời vua cùng họ.
[4] Thần Hộ: Kobe
[5] Lưu Cầu: quần đảo Ryukyu ở phía nam Nhật Bản, nay là Okinawa.
[6] Cột đèn bể, nhà bán báo, đầy rẫy ở bến tàu (phụ đầu).
[7] Bác đĩnh: pháo thuyền nhỏ, có đặt súng đại bác.
[8] Năm 1894. Cả đoạn thơ này nói về việc tranh chấp giữaTrung-Nhật thời đó
[9] Ba tỉnh miền Đông TQ là Phụng Thiên, Cát Lâm, Hắc Long Giang.
[10] Y Đằng tức Ito, thủ tướng Nhật thời đó.
[11] Chỉ Triều Tiên và Mãn Châu bị xâm chiếm.
[12] Đường xe lửa Cáp Nhĩ Tân và bến tàu thuỷ hải Sâm Uy.
[13] Bỉ Đắc: Thành phố Saint Péterbourg, thủ đô Nga. Ý câu này nói Nga có thề mất cả kinh đô
[14] bô bá: trốn tránh
[15] hạ tiệp: tiệc tượu vui mừng chiến thắng

Tâm sự

Bạn hỏi vì sao đất nước này
Ngày đêm khói lửa vẫn hăng say
Tóc tang lòng vẫn không cay đắng
Gánh nặng đường xa chẳng chuyển lay?

Có lẽ nghìn năm đã dạn dày
Anh hùng xưa để giống hôm nay
Khổ đau nhiều mới yêu thương lắm
Quen vượt trùng dương lái vững tay.

Thù bạn đời nay có khác xưa,
Nghĩa tình e sớm nắng chiều mưa?
Chợ trời thật giả đâu chân lý?
Hàng hoá lương tâm cũng thiếu thừa?

Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu
Trái tim lầm chỗ để trên đầu
Nỏ thần vô ý trao tay giặc
Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu...

Chuyện cô du kích xóm Lai Vu
Rắn quấn bên chân vẫn bắn thù:
Mỹ hại trăm nhà, lo diệt trước
Rắn, mình em chịu, có sao đâu!

Chân lý, mặt trời soi sáng mãi
Lỗi lầm âu cũng bóng mây qua
Lương tâm đều vẫn trong như ngọc
Tình nghĩa anh em lại một nhà.

Tố Hữu

Tập thơ Ra Trận (1967)

Nhớ rừng


Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt,
Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua. 
Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ,
Giương mắt bé diễu oai linh rừng thẳm,
Nay sa cơ, bị nhục nhằn tù hãm,
Để làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi.
Chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi,
Với cặp báo chuồng bên vô tư lự.

Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ,
Thủa tung hoành hống hách những ngày xưa.
Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già,
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi,
Với khi thét khúc trường ca dữ dội,
Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng,
Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng,
Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc.
Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc,
Là khiến cho mọi vật đều im hơi,
Ta biết ta chúa tể của muôn loài
Giữa chốn thảo hoa không tên, không tuổi.

Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối,
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn,
Ta lặng ngắm giang san ta đổi mới?
Đâu những bình minh cây xanh nắng gội,
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng.
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt,
Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?
- Than ôi! thời oanh liệt nay còn đâu?

Nay ta ôm niềm uất hận ngàn thâu,
Ghét những cảnh không đời nào thay đổi,
Những cảnh sửa sang, tầm thường, giả dối:
Hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng;
Giải nước đen giả suối, chẳng thông dòng
Len dưới nách những mô gò thấp kém;
Dăm vừng lá hiền lành không bí hiểm,
Cũng học đòi bắt chước vẻ hoang vu
Của chốn ngàn năm cao cả âm u.

Hỡi oai linh, cảnh nước non hùng vĩ!
Là nơi giống hùm thiêng ta ngự trị.
Nơi thênh thang ta vùng vẫy ngày xưa
Nơi ta không còn được thấy bao giờ
Có biết chăng trong những ngày ngao ngán,
Ta đương theo giấc mộng ngàn to lớn
Để hồn ta phảng phất được gần ngươi,
- Hỡi cảnh rừng ghê gớm của ta ơi!

Thế Lữ

(1936)

Cánh cam và Cóc tía

Mặc bộ áo xanh biếc
Cánh cam vào vườn chơi.
Màu tươi bên hoa lá,
Long lanh dưới mặt trời.

Chợt thấy anh cóc tía
Len lỏi bên luống rau
Từ chân lên tới đầu
Trời ơi bùn bê bết.

Cánh cam kêu: khiếp! khiếp!
Sao anh bẩn thế kia?
Cóc tía cười hề hề:
Anh chê ta bẩn hả?

Ta bắt sâu, bắt bọ
Cho rau tốt rau xanh
Cho hoa múa đầu cành
Cho vườn càng lộng lẫy.

Công việc ta đẹp vậy
Ta bẩn có hề chi?
Còn anh, anh làm gì?
Từ mờ sương đến tối

Anh rong chơi mê mải,
Phá nát búp cây xanh.
Dù quần đẹp áo lành
Anh vẫn là người xấu.

(nguồn: tập đọc lớp 1)

Nhị Hồ

Trăng vừa đủ sáng để gây mơ,
Gió nhịp theo đêm, không vội vàng;
Khí trời quanh tôi làm bằng tơ.
Khí trời quanh tôi làm bằng thơ.

Cây cỏ bình yên; khuya tĩnh mịch.
Bỗng đâu lên khúc Lạc âm thiều
Nhị hồ để bốc niềm cô tịch,
Không khóc, nhưng mà buồn hiu hiu...

Điệu ngả sang bài Mạnh Lệ Quân
Thu gồm xa vắng tự muôn đời,
Sương nương theo trăng ngừng lưng trời,
Tương tư nâng lòng lên chơi vơi...

Tiếng đàn thầm dịu dẫn tôi đi,
Qua những sân cung rộng hải hồ.
Có phải A Phòng hay Cô Tô?
- Lá liễu dài như một nét mi

... Và nàng Lộng Ngọc lấy Tiêu Lang,
Cưỡi hạc một đêm bay lên trời.
Vua Trần Hậu Chúa ngắm trăng vàng,
Khúc Hậu Đình Hoa đang lên khơi.

Linh hồn lưu giữa bể du dương...
Tôi thấy xiêm nghê nổi gió lùa:
Những nàng cung nữ ước mơ vua,
Không biết bao giờ nguôi nhớ thương.

Tôi yêu Bao Tự mặt sầu bi
Tôi yêu Ly Cơ hình nhịp nhàng.
Tôi tưởng tôi là Đường Minh Hoàng
Trong cung nhớ nàng Dương Quý Phi.

Xuân Diệu